Cộng đồng Mở IoT Việt Nam chính thức ra mắt tại Hà Nội

Ngày cập nhật 14:38:08 17-03-2017

Vào lúc 14h00 ngày 16/03/2017, Lễ ra mắt Cộng đồng Mở IoT Việt Nam (IoT Open Community Viet Nam) và hội nghị lần thứ I của cộng đồng IOCV với chủ đề: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vị thế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã diễn ra tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Cộng đồng Mở IoT Việt Nam (IoT Open Community Viet Nam) – IOCV được thành lập từ 5 thành viên sáng lập là các doanh nghiệp, đơn vị chủ lực về công nghệ như Viện Tin học doanh nghiệp (ITB) trực thuộc VCCI; Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông VNPT Technology, Công ty Cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS, Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa Vielina và NetNam. Mục tiêu của IOCV là xây dựng cộng đồng IoT mở, chia sẻ thành tựu về phát triển vạn vật kết nối ứng dụng cho các doanh nghiệp và người sử dụng ở Việt Nam. IOCV có định hướng phát triển theo 9 nhóm bao gồm cả phần cứng, phần mềm, đào tạo, truyền thông vv...

Cùng với Lễ ra mắt IOCV, Hội nghị lần thứ I của cộng đồng cũng được khai mạc với sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm đến IoT và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Với chủ đề: “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vị thế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” Hội nghị chia sẻ với quan khách và giới truyền thông xu hướng IoT – Internet of Things vạn vật kết nối đang diễn ra với một tốc độ nhanh chóng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ, toàn diện đến đời sống xã hội cũng như nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp thậm chí đã sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm IoT từ trước, nhưng không được chú trọng đúng mức cho đến khi cách mạng công nghiệp lần 4 và IoT bùng nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng trở thành nền tảng cho sự thành lập cộng đồng IOCV.

Hội nghị IOCV lần I có sự tham gia của ông Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI, đại diện 5 đơn vị sáng lập: ông Lê Văn Lợi – Viện trưởng VCCI – ITB, ông Dương Thành Long – Phó TGĐ VNPT Technology, ông Trần Kiêm Dũng – CEO FDS, ông Nguyễn Thế Truyện – Viện trưởng Vielina, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc R&D NetNam cùng đại diện hàng các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Vinh, nhiệm vụ đầu tiên của IOCV là phải nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam đối với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tổ chức truyền thông nhằm tăng sự lan tỏa của IoT, để cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ở một khía cạnh khác, ông Dương Thành Long – Phó TGĐ VNPT Technology chia sẻ góc nhìn về Cách mạng công nghiệp 4.0 – Nhận diện cơ hội và thách thức. Ông Long chỉ ra các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong cách mạng công nghiệp lần 4 cũng như các cơ hội mà nó mang lại. Ông Long cho rằng, việc các DN phát triển ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh sẽ dẫn đến một số thách thức như giảm lượng lao động chân tay, tác động đến thị trường lao động, gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các công ty. Những người quản lý doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật, thay đổi quan điểm về mặt điều hành, đồng thời chú ý đến các vấn đề an ninh, an toàn thông tin. Mặt khác cách mạng công nghiệp lần 4 cũng mang đến những lợi ích lớn như giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, khai thác tối đa hệ thống dữ liệu phục vụ cộng đồng. Ông Long đánh giá : “IoT sẽ xóa nhòa ranh giới giữa các ngành công nghiệp.”

Ông Dương Thành Long – Phó TGĐ VNPT Technology trình bày tham luận: Cách mạng công nghiệp 4.0 – Nhận diện cơ hội và thách thức.

Chia sẻ thực tế và góc nhìn từ VNPT Technology, ông Long cũng cho biết: VNPT Technology là 1 trong 6 doanh nghiệp Việt Nam được cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao năm 2016, đồng thời cũng là doanh nghiệp duy nhất có sản phẩm công nghệ ICT được cấp chứng nhận năm 2016. Bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4, VNPT Technology có rất nhiều lợi thế từ cơ sở hạ tầng, tập khách hàng đông đảo đến đội ngũ R&D hùng hậu, có bề dày kinh nghiệm. Với vị thế là 1 trong 5 đơn vị sáng lập IOCV, VNPT Technology định hướng chiến lược tạo ra sân chơi chung, tận dụng sức mạnh cộng đồng trên nguyên tắc hợp tác và chia sẻ tự nguyện.

Ngoài chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh và Dương Thành Long, Hội nghị lần I của Cộng đồng Mở IoT Việt Nam còn nhận được ý kiến chia sẻ và tâm huyết từ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp với nhiều nội dung như: Đề xuất mô hình phát triển nền tảng phần mềm nguồn mở dùng cho cho IOCV của ông Trần Kiêm Dũng (CEO, FDS); Triển khai hạ tầng mạng IOT các thách thức và gợi ý hướng giải pháp cộng đồng từ ông Lê Anh Tuấn -  Giám đốc nghiên cứu phát triển của NetNam…vv.

Các đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm sau Hội nghị

Kết thúc hội nghị, các thành viên IOCV dự kiến sẽ tổ chức hàng loạt các sự kiện, và chương trình hoạt động mới như: Hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và IoT; Mô phỏng 3 vấn đề IoT trong thực tiễn, tổ chức test kết quả 3 vấn đề IoT đã được mô phỏng; xây dựng Trung tâm IoT (tư vấn, hỗ trợ) và tổ chức hội nghị lần thứ hai trong thời gian gần nhất.

 

Thanh Tùng

Ảnh: Trung LM

1900 6600

Tổng đài CSKH

1900 1525